Cuối thế kỷ 19 chủ nghĩa tư bản phát triển, nhất là ở Mỹ thu hút lực lượng lớn phụ nữ và trẻ em làm việc trong nhà máy, xí nghiệp. Tư bản lợi dụng sức lực của phụ nữ, trẻ em, trả lương rẻ mạt làm cho đời sống của phụ nữ và trẻ em cực khổ, điêu đứng. Căm phẫn trước sự áp bức tàn bạo đó, ngày 8/3/1899, tại hai thành phố Chicago và New-York đã nổ ra cuộc đấu tranh mạnh mẽ của nữ công nhân ngành dệt may, đòi tăng lương, giảm giờ làm.
Mặc dù bị thẳng tay đàn áp, đuổi ra khỏi nhà máy nhưng chị em vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh và giành được thắng lợi. Từ đó đã khơi dậy tinh thần đấu tranh và cỗ vũ phụ nữ lao động Mỹ đứng lên. 50 năm sau “Ngày phụ nữ” mít tinh được diễn ra vào ngày 28/02/1909, lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi ở Mỹ biểu tình đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Từ đó Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28/2/1909.
Những cuộc đấu tranh đó của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của nữ lao động trên toàn thế giới. Lúc bấy giờ xuất hiện 3 nữ chiến sĩ cách mạng là bà Rô-da-luya-Xăm-Bua (người Ba Lan), bà Clara Zetkin (người Ðức) và bà Nadezhda Krupskaya (vợ Lê-nin) vận động thành lập Ban Thư ký quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào.
Ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở Copenhagen (thủ đô Ðan Mạch), đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế Phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.