Giới thiệu về Trường THPT Hiệp Hòa số 1

50 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH (1961-2011)

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Trường (1961-2011) và đón nhận Huân chương độc lập hạng III, thầy Nguyễn Thanh Hải – Hiệu trưởng Nhà trường đã có bài viết sâu sắc về quá trình xây dựng và phát triển Nhà trường.

Cách đây 50 năm, ngày 10 tháng 11 năm 1961, Trường Phổ thông cấp 3 Hiệp Hoà (nay là Trường THPT Hiệp Hoà số 1) là một trong những trường học được thành lập sớm ở một huyện trung du của tỉnh Hà Bắc (cũ). Nửa thế kỷ qua, với biết bao những thăng trầm của lịch sử, Những lớp cấp 3 đầu tiên được thành lập, Khóa lớp 8 đầu tiên (năm học 1961-1962) trường chỉ có 1 lớp với 26 học sinh. Từ khi có lớp cấp 3, Trường Phổ thông cấp 2 Hiệp Hoà đổi thành Trường cấp 2-3 Hiệp Hòa. Khóa học 1962-1963 tiếp theo lớp 8 có 35 học sinh. Từ năm học 1963-1964 Trường tách làm hai: bộ phận cấp 3 (01 lớp 8, 01 lớp 9, 02 lớp 10) chuyển thành Trường cấp 3 Hiệp Hòa; bộ phận cấp 2 chuyển thành Trường cấp 2 Hiệp Hoà (Nay là Trường THCS Đức Thắng). Thầy Ngô Xuân Nguyên làm Hiệu trưởng đầu tiên. Rồi Trường cấp 3 Hiệp Hoà phát triển dần lên thành 13 lớp với 600 học sinh. Mùa thu năm 1965, khi đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng Không quân và Hải quân, Nhà trường đã phải đi sơ tán về xã Thường Thắng hai lần, cách trường cũ 4 -5 km. Tại nơi sơ tán, thầy và trò đã cùng nhau dựng lớp học chìm dưới mặt đất, làm hàng trăm chiếc hầm kèo chữ A, đào hàng nghìn mét giao thông hào để dù cho có chiến sự ác liệt xảy ra vẫn đảm bảo an toàn cho thầy và trò tiếp tục thi đua “Dạy tốt – Học tốt”.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dù có khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, thầy và trò Nhà trường đã kiên trì thực hiện nguyên lí giáo dục “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Ngoài việc đảm bảo chương trình dạy và học, Nhà trường đã thành lập nhiều đội “Học tốt, làm tốt”. Trong đó đáng kể là Đội do em Trần Xuân Luân làm Đội trưởng đã tham gia làm bèo dâu, cải tạo đất bạc mầu ở Hợp tác xã Trung Hoà, đơn vị điển hình của Ngành Nông nghiệp miền Bắc lúc bấy giờ. Song song với việc chỉ đạo học sinh ở các đội “Học tốt làm tốt”, các thầy cô còn tham gia nghiên cứu nông hoá thổ nhưỡng cùng với Trạm Cải tạo đất, một đơn vị của Trung ương đóng trên địa bàn xã Lương Phong.

Đi đôi với việc đảm bảo nhiệm vụ dạy và học, các hoạt động khác vẫn được duy trì, như “Phong trào tiếng hát át tiếng bom” do Đoàn Thanh niên phát động được thầy và trò hưởng ứng tích cực và sôi nổi. Trong thời kỳ này, Nhà trường đã có nhiều thầy dạy tốt, có thầy được vinh dự nhận phần thưởng của Bác Hồ. Đồng thời có nhiều học sinh giỏi đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh và toàn miền Bắc như học sinh: Nguyễn Văn Vọng, Nguyễn Tùng Mậu, Triệu Thế, Phạm Cảnh Dương, Nguyễn Thái Lai….

Bom đạn của kẻ thù không làm nhụt được ý chí của thầy và trò Trường Phổ thông cấp 3 Hiệp Hoà, mà trái lại nhiều thầy giáo và học sinh đã sẵn sàng tình nguyện lên đường đánh giặc. Em Hoàng Nhật Thắng đã viết đơn bằng máu để xin nhập ngũ. Trong thời kỳ này, có 1.445 người tham gia quân đội và thanh niên xung phong. Nhiều thầy cô và học sinh đã hy sinh anh dũng như: Thầy Nguyễn Cảnh Hân, học sinh Nguyễn Xuân Mở, Hà Giang Việt, Dương Văn Hiển, Dương Văn Trọng, Nguyễn Thị Ba, Ngọ Văn Canh, Đỗ Thanh Liêm, Nguyễn Trọng Huê, Nguyễn Văn Hiển, Lê Trọng Luyến, Nguyễn Xuân Phương …

Đó là những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh, song cũng là những năm tháng hào hùng rất đáng trân trọng và tự hào của thầy và trò Trường Phổ thông cấp 3 Hiệp Hoà.

Từ năm học 1973 – 1974, Trường Phổ thông cấp 3 Hiệp Hoà được tách thành 2 trường số 1 và số 2. Bộ phận ở lại trường cũ mang tên Trường Phổ thông cấp 3 số 1 Hiệp Hoà (Năm học 1973-1974 do thày Ngô Văn Tẩn làm Hiệu trưởng, năm học 1974-1975 do thầy Nguyễn Tôn Thống làm Hiệu trưởng). Từ nơi sơ tán ở Thường Thắng trở về trong điều kiện trường lớp bị bom Mỹ phá hoại, song thầy trò Nhà trường quyết tâm khắc phục khó khăn, ổn định trường lớp, củng cố và nâng cao chất lượng dạy và học, vẫn tiếp nối được truyền thống của một đơn vị tiên tiến; Hai năm liền Đội học sinh giỏi Toán của Nhà trường đoạt giải Nhất cá nhân và đồng đội.

Từ năm 1975 đến năm 1987, Thời kỳ này, thầy Dương Quang Luân làm Hiệu trưởng và trường mang tên là Trường Phổ thông cấp 3 số 1 Hiệp Hoà, sau đổi là Trường PTTH số 1 Hiệp Hoà.

Đây là giai đoạn thống nhất Tổ quốc, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên, sau 30 năm kể từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nền Giáo dục nước nhà mới được thống nhất. Thời kỳ này cũng là thời kỳ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục; chuyển đổi từ hệ thống giáo dục phổ thông hệ 10 năm sang giáo dục phổ thông hệ 12 năm. Tuy ngành Giáo dục có nhiều thay đổi song thầy trò Nhà trường đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên. Tiếp tục thực hiện nguyên lý giáo dục của Đảng: “Học đi đôi với hành, Nhà trường gắn liền với xã hội”, nhằm củng cố ổn định chất lượng giáo dục toàn diện, Nhà trường đã có nhiều việc làm thiết thực như: Xây dựng vườn thực hành, trồng đỗ tương đồi, chăn nuôi cá, xây dựng xưởng mộc… Một cố gắng lớn của Nhà trường trong giai đoạn này là làm gạch không nung, khai thác thế mạnh của vùng đồi trung du. Từ đó đã từng bước “ngói hoá” với công thức “Tường cay cộng tre ngâm và ngói móc”, đến năm 1984 đã thanh toán được tình trạng lớp học bằng tranh, tre, mái lá… Bên cạnh đó, Nhà trường cũng chú trọng tăng cường giáo dục đạo đức thông qua việc xây dựng nề nếp của học sinh từ tổ trực nhật đến lớp trực ban, trật tự nội vụ.

Tiếp nối truyền thống của Nhà trường qua các thời kỳ, với ý chí tự lực tự cường của thầy và trò, từ năm 1977 đến 1986, Trường Phổ thông cấp 3 số 1 liên tục đạt danh hiệu “Trường tiên tiến” và “Tiên tiến xuất sắc” cấp tỉnh và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1985.

Từ năm 1987 đến 2001, Thầy Nguyễn Hữu Vượng, Nhà giáo ưu tú, làm Bí thư Chi bộ – hiệu trưởng nhà trường. Trường được mang tên Trường PTTH số 1 Hiệp Hoà và sau đổi là Trường THPT số 1 Hiệp Hoà. Đây là thời kỳ Đổi mới của đất nước nói chung và của ngành Giáo dục nói riêng. Chi bộ Đảng là hạt nhân lãnh đạo và quán triệt quan điểm : “Trí tuệ, đổi mới, đoàn kết, dân chủ “. Mục tiêu chung của Nhà trường là phấn đấu thực hiện chiến lược “Giáo viên giàu về trí tuệ và đời sống tinh thần, không ngừng đựơc cải thiện về vật chất; học sinh ngoan, học tập tiến bộ; Nhà trường mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh” .

Nhà trường đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, Chi bộ Đảng là hạt nhân lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

Công tác xây dựng đội ngũ được trú trọng, hàng năm được kiểm tra khảo sát trình độ của đội ngũ giáo viên. Nhà trường xác định công tác tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ là hết sức quan trọng; chính vì vậy có nhiều năm tỷ lệ đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh vào loại nhất, nhì trong các trường THPT Hà Bắc trước đây và Bắc Giang (từ 1997).

Về giáo dục đạo đức: Ngoài việc xây dựng và duy trì kỷ cương, nền nếp để giáo dục học sinh theo quy trình “Chân, Thiện, Mỹ”, Nhà trường đề ra quan điểm và quy trình ngược lại: Thông qua cái “Mỹ” để giáo dục trở lại ” Chân” và “Thiện”, được cụ thể hóa bằng việc xây dựng khuôn viên và cảnh quan sư phạm trong Nhà trường, để rồi từ cái đẹp trong cảnh quan tác động vào tâm hồn thế hệ trẻ. Bằng nhiều biện pháp tổng hợp, trong đó có biện pháp này, mà không ít học sinh cá biệt khi vào Trường THPT số 1 Hiệp Hoà đã trở thành học sinh có ý thức phấn đấu và tiến bộ rõ nét, Nhà trường đã từng bước đẩy lùi và không còn học sinh cá biệt. Mặt khác, để xã hội hoá trong giáo dục đạo đức cho học sinh, Nhà trường đã lập “Hội Liên kết giáo dục” ở từng cơ sở, trước hết là thị trấn Thắng và các xã lân cận.

Về giáo dục trí tuệ: Ngoài phương châm “tự lực tự cường”, Nhà trường đã mời các chuyên gia về bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giáo viên trong trường. Song song với các biện pháp bồi dưỡng cho học sinh giỏi ở lớp chọn, Nhà trường còn thành lập các lớp học dọc khối để bồi dưỡng cho học sinh diện đại trà. Từ những biện pháp thiết thực đó, kết quả học sinh khối 12 của Nhà trường đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng, THCN với tỷ lệ ngày càng tăng, bình quân hàng năm đạt khoảng từ 40 – 45 %. Nhiều năm, số lượng và chất lượng giải học sinh giỏi của Nhà trường đứng thứ nhất, nhì trong các trường THPT của tỉnh Bắc Giang.

Về các mặt giáo dục khác: Nhà trường luôn luôn quan tâm đến giáo dục toàn diện, bằng cách đẩy mạnh các hoạt động ngoài giờ lên lớp với hình thức phong phú, đa dạng như: Sinh hoạt các câu lạc bộ những người yêu thích Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lý, Hoá…; thi tìm hiểu, Hội thi nét đẹp học sinh Hiệp Hoà 1; hoạt động của đội văn nghệ “Hoa Mua trắng ” và phong trào văn nghệ quần chúng của các lớp. Thực hiện tốt phong trào “5 không” phòng ngừa ngăn chặn không để tệ nạn xã hội xâm nhập vào Nhà trường.

Về xây dựng cơ sở vật chất: Được sự quan tâm của Nhà nước và có sự đóng góp của nhân dân, cơ sở vật chất của Nhà trường ngày càng được tăng cường và hoàn thiện. Trên nền cũ trường xưa, đến năm 2001 đã có hai toà nhà 3 tầng được xây dựng với 24 phòng học kiên cố có đủ điều kiện chuẩn về ánh sáng, quạt mát, bàn ghế… đảm bảo tốt cho hoạt động dạy và học hàng ngày của trường. Khu nhà văn phòng 2 tầng đã đưa vào sử dụng năm 1999. Hai phòng thí nghiệm được trang bị những phương tiện, dụng cụ cần thiết để đảm bảo nội dung thực hành của các môn Lý, Hoá, Sinh… Đồ dùng trực quan của môn Sử, Địa được trang bị khá đầy đủ. Ngoài ra ở các bộ môn, giáo viên còn tích cực làm thêm đồ dùng trực quan nhằm đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Thư viện nhà trường đã cung cấp nhiều tài liệu học tập bổ ích giúp giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Với sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ giáo viên và học sinh Nhà trường, sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, của Đảng bộ và chính quyền các cấp, sự giúp đỡ và phối hợp của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương; Nhà trường đã không ngừng phát triển, đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Năm 1996 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2001 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Từ năm 2001 đến nay, Thầy Nguyễn Tùng Mậu làm Bí thư chi bộ – hiệu trưởng giai đoạn 2002-2008, Trường được mang tên Trường THPT Hiệp Hòa số 1. Đây là giai đoạn có nhiều đổi mới, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, sự nghiệp giáo dục – đào tạo có nhiều đổi mới, giáo dục THPT học theo chương trình sách giáo khoa mới (phân ban) từ năm học 2006-2007. Nhà trường đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, đầu tư trang thiết bị trường học, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy học và quản lý. Năm 2007, Nhà trường được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Nhiều năm liên tục Nhà trường đạt danh hiệu “Trường tiên tiến” và “Tiên tiến xuất sắc” cấp tỉnh, được tặng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh và Bộ Giáo dục – Đào tạo; năm học 2009-2010 được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2011, Nhà trường được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Từ năm 2006 đến 2011 là giai đoạn thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Thực hiện chủ đề năm học “Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và dạy học”, “Đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, Nhà trường đã không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục, phấn đấu tầm nhìn đến năm 2030: “Là trường chất lượng cao trong tỉnh, quốc gia; nơi có điều kiện và môi trường giáo dục tốt nhất để thầy dạy tốt, trò học tốt vì sự phát triển bền vững của bản thân và xã hội “. Các giải pháp chính trong giai đoạn này là:

Tiếp tục đổi mới công tác bồi dưỡng và phát triển đội ngũ: Nhà trường liên tục cử cán bộ, giáo viên đi học lớp quản lý giáo dục, lý luận chính trị, cao học, bồi dưỡng chuyên đề để nâng cao trình độ lý luận và kiến thức chuyên môn cho cán bộ giáo viên, đồng thời liên tục tổ chức các đợt giao lưu chuyên môn với các trường THPT trong huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên, một số trường thuộc thành phố Hải Phòng để học tập kinh nghiệm quản lý, giảng dạy và tổ chức các hoạt động giáo dục. Hằng năm, Nhà trường tổ chức nghiên cứu chương trình và sách giáo khoa mới, dạy học theo chuẩn kiến thức và kỹ năng, mỗi cán bộ giáo viên đăng ký có ít nhất một ý tưởng đổi mới trong công tác và dạy học, đăng ký thi giáo viên giỏi các cấp.

Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học. Năm 2006 có thêm 01 ngôi nhà 3 tầng với 12 phòng học và chức năng; trong đó có 3 phòng máy tính hiện đại, 3 phòng học ứng dụng CNTT, 4 phòng thí nghiệm Lý- Hóa- Sinh, 1 phòng thư viện có hệ thống thư viện điện tử. Hệ thống sân chơi, bãi tập, nhà thể thao rộng, khang trang, sạch đẹp rộng tới 17.015 m2. Hệ thống phòng học kiên cố là 27, có đầy đủ hệ thống ánh sáng, quạt mát, bàn, ghế, bảng đúng quy cách, có thể đáp ứng tốt cho các hoạt động giáo dục của Nhà trường.

Đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá và ứng dụng CNTT trong công tác và dạy học: Nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học để cập nhật với chương trình và sách giáo khoa phân ban mới. Các phong trào thi đua trong Nhà trường tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học, nghiên cứu đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm, làm và sử dụng đồ dùng dạy học, ứng dụng CNTT trong dạy học và công tác.

Làm tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu và luyện thi Đại học – cao đẳng: Hằng năm, Nhà trường xây dựng các lớp chất lượng cao, lớp điển hình, lớp học thân thiện theo từng khối lớp và tổ chức thi thử Đại học, Cao đẳng, thi tháng, thi thử tốt nghiệp cho các đối tượng học sinh có trình độ khác nhau.

Tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách, giáo dục toàn diện học sinh: Nhà trường coi giáo dục đạo đức, giáo dục toàn diện học sinh là nền tảng để giáo dục tri thức khoa học, giáo dục đạo đức học sinh được tích hợp vào các môn học, tích hợp vào các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tăng cường công tác tự quản của học sinh thông qua công tác chủ nhiệm và công tác Đoàn thanh niên, đồng thời làm tốt công tác giáo dục pháp luật trong Nhà trường (Luật Giáo dục, Luật ATGT, Luật Phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Bộ luật Dân sự…).

Đổi mới công tác quản lý và làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục: Nhà trường đã tích cực tham mưu với Sở Giáo dục – Đào tạo, chính quyền địa phương để tăng cường sự quan tâm chỉ đạo và huy động các nguồn lực cho phát triển nhà trường. Bên cạnh đó nhà trường còn làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, công tác thi đua – khen thưởng, công tác tài chính, dân chủ hoá trong nhà trường. Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với ban đại diện cha mẹ học sinh, với các tổ chức đoàn thể để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, góp phần vào nâng cao chất lượng giáo dục.

50 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã có 17580 học sinh tốt nghiệp ra trường; trong đó trên 10 ngàn học sinh đỗ vào các trường đại học cao đẳng. Các cựu học sinh của trường đã có mặt trên khắp mọi miền của tổ quốc, ở nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội, trong đó có nhiều học sinh thành đạt trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế, nhiều học sinh đã trở thành các nhà khoa học đầu ngành, cán bộ quản lý cao cấp, các chủ doanh nghiệp và cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tập thể nhà trường đã giữ vững và phát huy tốt truyền thống đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, thực hiện quy chế dân chủ. Nhiều năm nhà trường đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, đạt danh hiệu “Cơ quan Văn hoá cấp tỉnh”. Nhà trường đã thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Chi bộ và các đoàn thể trong nhà trường luôn thể hiện vai trò nòng cốt trong lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường, liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, được cấp trên tuyên dương khen thưởng.

Những đóng góp của nhà trường đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng danh hiệu và nhiều phần thưởng cao quý; Nhà nước tặng thưởng 03 Huân chương lao động: hạng Ba(1985 ); hạng Nhì(1996); hạng Nhất (2001); Năm 2007, nhà trường được UBND tỉnh công nhận Trường đạt “Chuẩn quốc gia”; Năm 2011, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Ba cho nhà trường; Các Bộ, Ngành, Tỉnh tặng nhiều Bằng khen cho nhà trường.

Những năm gần đây, nhà trường đặc biệt chú trọng đến giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Việc xây dựng và giữ vững kỷ cương, nền nếp trong công tác quản lý, trong thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện được quan tâm thường xuyên và đạt kết quả cao. Tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt luôn chiếm trên 90%; xếp loại học lực khá, giỏi trên 45%, trong đó học sinh giỏi toàn diên trên 3%, giải học sinh giỏi tỉnh luôn nằm trong các trường tốp đầu của tỉnh, 5 năm gần đây, năm học nào cũng có giải học sinh giỏi quốc gia- khu vực; năm học 2006-2007 có 01 học sinh đạt Huy chương bạc châu Á- TBD về sáng tạo kỹ thuật; không có học sinh mắc tệ nạn xã hội. Kết quả thi đại hoc- cao đẳng đạt trên 50% học sinh; nhiều năm liên tục có điểm bình quân ba môn thi nằm trong tốp từ thứ 5 đến thứ 8 của các trường THPT trong Tỉnh.

Nhiều cán bộ, giáo viên nhà trường liên tục được các cấp lãnh đạo khen thưởng, năm 2008 và 2010 có 02 đề tài khoa học cấp ngành, năm 2009 có 01 giải nhì thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh trong cán bộ, giáo viên; giai đoạn 2009-2011 có 6 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Hôm nay, được sống trong niềm vui phấn khởi, tự hào của một đơn vị giầu truyền thống; Trong thời đại của nền kinh tế tri thức, thày trò trường THPT Hiệp Hoà số 1 luôn nhận thức và đã xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm sau:

* Một là, Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lầng thứ XI, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về mục tiêu phát triển GD&ĐT trong thời kỳ hội nhập, toàn trường ra sức phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2011-2012 và chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2015.

* Hai là, tăng cường các biện pháp quản lý giáo dục theo hướng đổi mới, hướng tới xây dựng nhà trường dân chủ, thân thiện, tạo ra môi trường lao động, học tập và thi đua lành mạnh. Thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng văn hoá, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, pháp luật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, kết hợp dạy chữ với dạy người, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

* Ba là, Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên đoàn kết, thống nhất vững mạnh về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, lấy việc tự học, tự bồi dưỡng là giải pháp để nâng cao trình độ, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý và giảng dạy, khai thác phương tiện thiết bị dạy học có hiệu quả.

* Bốn là, Tiếp tục tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn, đồng bộ và hiện đại phấn đấu trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chuẩn mới của Bộ GD- ĐT. Xây dựng cảnh quan, môi trường giáo dục xanh, sạch, đẹp.

* Năm là, làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục, tăng cường mối quan hệ với các cấp uỷ đảng chính quyền, đoàn thể, các ngành, với các nhà trường trong ngoài tỉnh để vừa học hỏi và tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ từ bên ngoài để làm tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường. Phát huy truyền thống vẻ vang của nhà trường, với bề dày thành tích 50 năm, thày và trò trường THPT Hiệp Hoà số 1 quyết tâm xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang .

Thầy và trò nhà trường cũng mong muốn các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, nhân dân địa phương, các thế hệ thầy giáo, cô giáo, học sinh tiếp tục giúp đỡ, ủng hộ nhiều hơn nữa cả về tinh thần và vật chất, để xây dựng nhà trường ngày càng phát triển, xứng đáng với danh hiệu truyền thống của nhà trường.